Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Làm thế nào để “hiểu” được công an giao thông?

Nếu đồng thời tay trái của người CSGT giơ về phía trước song song với tay phải và lặp đi lặp lại nhiều lần thì đó là báo hiệu người tham gia giao thông ở phía bên trái CSGT được rẽ trái qua trước mặt người điều khiển giao thông.

 Dù là một lái xe lâu năm hay là người tham gia giao thông hàng ngày, bạn đã thực sự hiểu những hiệu lệnh của Cảnh sát giao thông?

Lưu thông trên đường, đặc biệt là tại các thành phố lớn, ngoài các tín hiệu đèn giao thông, người lái xe còn phải lưu ý đến hiệu lệnh của cảnh sát giao thông - những người điều khiển giao thông. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng thuộc những kí hiệu này…

Để điều khiển giao thông, cảnh sát giao thông thể hiện các dấu hiệu chỉ dẫn bằng tay, gậy chỉ huy giao thông hoặc bằng còi, và tần suất được chú ý nhiều nhất chính là cánh tay và gậy giao thông. Những hướng dẫn tại các văn bản pháp quy sau sẽ giúp bạn lưu thông đúng hiệu lệnh của CSGT:

- Khi CSGT giơ tay thẳng đứng để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở các hướng đều phải dừng lại.

- Khi hai tay hoặc một tay dang ngang để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía trước và ở phía sau người điều khiển phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía bên phải và bên trái người điều khiển được đi tất cả các hướng.

- Khi cánh tay trái người điều khiển gập đi gập lại sau gáy để báo hiệu người tham gia giao thông bên trái người điều khiển đi nhanh hơn hoặc cánh tay phải người điều khiển gập đi gập lại trước ngực để báo hiệu người tham gia giao thông bên phải người điều khiển đi nhanh hơn.

- Khi bàn tay trái hoặc phải của người điều khiển ở vị trí ngang thắt lưng và đưa lên, xuống báo hiệu người tham gia giao thông ở bên trái hoặc bên phải người điều khiển đi chậm lại; bàn tay trái hoặc phải của người điều khiển giơ thẳng đứng vuông góc với mặt đất báo hiệu người tham gia giao thông ở bên trái hoặc bên phải người điều khiển dừng lại;

- Khi tay phải của CSGT giơ về phía trước: báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía sau và bên phải người điều khiển dừng lại, người đi ở phía trước người điều khiển chỉ được rẽ phả, người đi ở phía bên trái người điều khiển được đi tất cả các hướng.

Ngoài ra, một số quy định về sử dụng âm hiệu còi trong điều khiển giao thông trong điều kiện lưu hành hiện nay sẽ khó thực hiện, tuy nhiên những lưu ý sau cũng giúp bạn hiểu phần nào các âm hiệu này:

- Một tiếng còi dài, mạnh: Ra lệnh dừng lại

- Một tiếng còi ngắn: Cho phép đi

- Một tiếng còi dài và một tiếng còi ngắn: Cho phép rẽ trái

- Hai tiếng còi ngắn, mạnh: Ra hiệu nguy hiểm đi chậm lại

- Ba tiếng còi ngắn, nhanh: Báo hiệu đi nhanh lên

- Thổi liên tiếp tiếng một, nhiều lần, mạnh: Báo hiệu phương tiện dừng lại để kiểm tra hoặc báo hiệu phương tiện vi phạm.

Chúc các bạn lái xe an toàn!/.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét